Cuộc sống Hòa_Thạc_Đoan_Tĩnh_Công_chúa

Hòa Thạc Đoan Tĩnh Công chúa sinh vào giờ Tỵ, ngày 6 tháng 5 (âm lịch) năm Khang Hi thứ 13 (1674), sinh mẫu là Bố quý nhân Triệu Giai thị khi chỉ là Thứ phi. Triệu Giai thị là con gái Tham lĩnh Tắc Khắc Tắc Hách (塞克塞赫), cùng tộc với Đích Phúc tấn Triệu Giai thị của Di Hiền Thân vương, nhưng kỳ tịch lại không giống nhau, chỉ là Bao y Chính Bạch Kỳ.

Công chúa từ nhỏ đã thông minh hơn người, là hòn ngọc quý trên tay của Khang Hi Đế. Công chúa tinh thông thi từ, lại biết cưỡi ngựa bắn tên.

Năm Khang Hi thứ 31 (1692) thụ phong Hòa Thạc Đoan Tĩnh Công chúa, cùng năm hạ giá Khách Lạp Thấm bộ, gả cho Cát Nhĩ Tang, thứ tử của Mông Cổ Đỗ Lăng Quận vương. Cung đình đương án còn xưng là Hòa Thạc Chính Ôn Công chúa.

Năm thứ 35 (1696), ngày 29 tháng 3, trị ban thủ lĩnh Châu Mã Lạt (珠玛喇) đã trình lên một bức thư do Đoan Tĩnh Công chúa viết. Theo bức thư, vào tháng 1 năm Khang Hi thứ 35, Ngạch phò Cát Nhĩ Tang từng tấu thỉnh Thánh Tổ, hi vọng được được trồng trọt ở các địa phương Ô Lan Bố Văn (乌兰布文), Tích Cáp Văn Minh An (锡文哈明安), v.v., nhưng những địa phương này đã được ban cho Cách cách do Đoan Tĩnh Công chúa hạ sinh. Thánh Tổ đã hạ một đạo chỉ dụ, cho phép Ngạch phò được cùng sử dụng những địa phương này cùng với Cách cách.

Sau khi sắc lệnh được ban hành, Đoan Tĩnh Công chúa phái người đem hạt giống, nông cụ, thuê người đến để chuẩn bị canh tác, nhưng Cách cách không cho phép. Công chúa cho người nói với Cách cách rằng đây là chỉ dụ của Thánh Tổ, nhưng Cách cách vấn không tin. Công chúa đã viết thư cho Thái tử Dận Nhưng để ông giải quyết.

Hòa Thạc Đoan Tĩnh Công chúa mất vào tháng 3 năm Khang Hi thứ 49 (1710) khi mới 37 tuổi, để lại dưới gối duy nhất một nữ nhi. Sau đó, con gái của Công chúa lấy thân phận Đích thê gả cho Hoằng Tích, con trai thứ hai của Lý Mật Thân vương Dận Nhưng.

Năm Khang Hi thứ 50 (1711), tháng 4, trong thời gian tang kỳ của Công chúa, Ngạch phò Cát Nhĩ Tang không những chiếm đoạt thê tử của Tắc Nặc Mộc (索诺穆) và của rất nhiều người khác, thủ hạ dưới tay ông còn giết người, dẫn tới cơn thịnh nộ của Khang Hi Đế. Khang Hi đem Cát Nhĩ Tang giam cầm tại Bắc Kinh cho đến khi chết. Đồng đảng của Ngạch phò đều bị xử tử.[1]. Tháng 3 Khang Hi thứ năm 61 (1722), Cát Nhĩ Tang được hợp táng cùng Đoan Tĩnh Công chúa.